Ăn chay phòng bệnh
Nhiều người bảo ăn chay trường làm yếu người đi. Điều đó không đúng mà... cũng chẳng sai!
Ăn chay – có bao nhiêu kiểu?
Ăn chay không phải là chuyện mới mẻ gì, mà đã có lịch sử từ thời thượng cổ. Bằng chứng xưa nhất là những ghi chép trong Thánh Kinh, theo đó, loài người chỉ bắt đầu ăn mặn từ thời của Noah sau cơn đại hồng thủy. Nếu ăn chay trường làm yếu người thì chúng ta - con cháu của người thượng cổ - đã không có mặt trên cõi đời này, và cả các động vật ăn cỏ cũng chẳng tồn tại!
Có rất nhiều lý do để người ta ăn chay: vì niềm tin tôn giáo (Phật giáo, Ấn Độ giáo), đạo đức (bảo vệ súc vật), tư tưởng triết học, sinh thái (sự thống nhất hài hòa của tự nhiên), kinh tế (ăn chay thường rẻ hơn ăn mặn) hay vì lý do sức khỏe (dị ứng, khả năng tiêu hóa,…). Do đó có nhiều kiểu ăn chay:
• Ăn chay thuần túy hay ăn chay tuyệt đối: chỉ ăn rau, trái, ngũ cốc nguyên hạt, gạo lức, đậu hạt, đậu trái, các loại hạt. Kiêng hẳn thức ăn từ động vật, kể cả sữa và các sản phẩm từ sữa (phô-mai, kem), trứng, mật ong. Có người còn nghiêm khắc hơn, chỉ ăn trái cây loại quả mọng và đậu trái.
• Ăn chay được dùng sữa và các sản phẩm của sữa.
• Ăn chay được dùng sữa và trứng.
• Ăn chay bán phần: kiêng thịt đỏ nhưng thỉnh thoảng có thể ăn thịt gia cầm, cá, hải sản.
• Ăn chay theo trường phái Ohsawa: chế độ ăn hướng về thiên nhiên, ít chế biến và theo một tiến trình 10 cấp bậc được qui định chặt chẽ. Bắt đầu bằng việc loại bỏ tất cả thức ăn từ động vật, dần đến trái cây, rau, cuối cùng chỉ còn lại gạo lức.
Tác dụng của việc ăn chay
Một cách chung nhất, ăn chay là không dùng thịt và tăng cường các thức ăn có lợi cho sức khỏe như: các loại rau trái, đậu, mè, ngũ cốc còn nguyên lớp cám, chất béo không no. Điều cần ghi nhận là người vốn đang ăn mặn khi chuyển sang ăn chay thường cũng thay đổi cả lối sống, sự nhận thức của mình về sức khỏe và môi trường. Họ có khuynh hướng tăng hoạt động thể lực, hướng đến việc tập Yoga, thiền, tránh khói thuốc lá, rượu và có lẽ cả việc chịu đựng stress cũng tốt hơn. Các yếu tố ảnh hưởng tốt đến sức khỏe trên là những điều mà người vốn ăn chay trường thường không có. Như vậy, có thể nói ăn chay có lợi cho sức khỏe hơn ăn mặn. Tuy nhiên, bất cứ điều gì cũng có hai mặt trái và phải, ăn chay cũng có nhược điểm riêng và sẽ được đề cập trong một dịp khác.
Dưới đây là tóm tắt một số tác dụng đáng chú ý nhất của ăn chay:
1. Giảm cân: Người ăn chay thường nhẹ cân và ít nguy cơ béo phì hơn người ăn mặn; nhờ đó, ít mắc các bệnh do béo phì như: tiểu đường, sỏi mật, cao huyết áp, bệnh động mạch vành tim… Tuy nhiên, nếu ăn không đúng cách có thể trở nên gầy còm, hốc hác. Trẻ em và tuổi thiếu niên nếu ăn chay có thể nguy hiểm cho sự tăng trưởng. Bà mẹ mang thai ăn chay thường nhẹ cân, ít tăng cân và có nguy cơ sinh con thiếu cân.
2. Giảm huyết áp: Huyết áp của người ăn chay trường thường có khuynh hướng thấp hơn người ăn mặn và ít tăng huyết áp theo tuổi hơn. Các nghiên cứu cho thấy: càng ăn nhiều thức ăn từ động vật, huyết áp càng có khuynh hướng tăng cao. Tuy nhiên, cũng không nên bỏ qua các yếu tố về lối sống có ảnh hưởng tốt đến huyết áp. Người ta còn thấy ở người ăn chay ít có ảnh hưởng đến huyết áp hơn là người ăn thịt.
3. Giảm bệnh động mạch vành tim: Các nghiên cứu khoa học cho thấy: tỷ lệ người ăn chay mắc bệnh và tử vong thấp hơn hẳn so với người ăn mặn. Nguyên nhân được cho là do thức ăn chay chứa nhiều xơ, ít béo, ít cholesterol, tỷ lệ giữa chất béo không no và chất béo no cao. Bệnh động mạch vành tim gắn liền với lượng cholesterol máu. Người ăn chay có lượng cholesterol trong máu, nhất là loại LDL, thấp hơn hẳn so với người ăn chay có dùng sữa và người ăn thịt. Trên thực tế, lượng mỡ trong máu tùy thuộc nhiều vào số lượng và loại chất béo mà người ăn chay ăn vào. Đồng thời, lối sống ít dùng thuốc lá, thích tập luyện và tình trạng nhẹ cân cũng góp phần không ít.
4. Giảm nguy cơ bị sỏi thận: Người ăn chay thải calci, oxalat và acid uric ra nước tiểu ít hơn người ăn mặn. Và do đó, người ăn chay ít bị sỏi thận hơn người ăn mặn.
5. Giảm nguy cơ bị ung thư: Người ăn chay ít mắc bệnh và tử vong vì ung thư miệng họng, tiền liệt tuyến, nhất là đại tràng hơn người ăn mặn. Lý do là thức ăn chay chứa nhiều chất xơ và ít acid béo hòa tan. Chất xơ làm giảm sự thoái giáng acid mật sơ cấp thành thứ cấp - chất đã được chứng minh là gây ung thư đại tràng. Acid béo hòa tan và sterol nếu có nhiều trong phân sẽ làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng. Ngoài ra, thức ăn chay còn chứa nhiều chất có tiềm năng ngừa ung thư như: các chất chống oxy hóa và một số hóa chất thực vật. Một lần nữa, lối sống của người ăn chay thường có lợi cho sức khỏe, phòng ngừa một số loại ung thư.
6. Giảm triệu chứng bệnh về xương và khớp: Chế độ ăn chay có ích đặc biệt cho một số bệnh nhân viêm khớp dạng thấp, làm giảm hẳn triệu chứng bệnh về khớp. Nhưng cần thận trọng vì ăn chay không đúng dễ gây teo cơ dinh dưỡng. Đối với thoái hóa khớp, ăn chay không trị được bệnh, nhưng ăn chay trường có thể đóng vai trò trong việc phòng ngừa bệnh. Người ăn chay cũng bị loãng xương như người ăn mặn, nhưng chế độ ăn không có thịt, nhiều estrogen thực vật và hoạt động thể lực nhiều là những yếu tố giúp phòng chống loãng xương.
7. Ngoài ra, ăn chay còn giúp giảm nguy cơ bị sỏi mật, bệnh túi thừa đường ruột và có ảnh hưởng lên tiểu cầu làm giảm độ nhớt của máu.
Như vậy, ăn chay tốt cho sức khỏe không chỉ nhờ vào việc không có thức ăn từ động vật mà còn nhờ vào khuynh hướng sống khổ hạnh, rèn luyện thể lực, ít tiếp xúc với các thứ có hại cho sức khỏe, giữ thanh tịnh tâm hồn và trí tuệ. Ăn chay không là điều gì khác thường mà chỉ đơn thuần là một khuynh hướng về ăn uống mà thôi. Với những ai muốn chuyển từ ăn mặn sang ăn chay, đây là lời khuyên của các nhà nghiên cứu y học: nên chuyển từ từ, đầu tiên tránh thịt đỏ, sau đó dần đến thịt gia cầm, rồi cuối cùng đến cá và thủy hải sản. Và cũng xin được nhắc lại, ăn chay cũng có mặt trái của nó.
Nhận xét
Đăng nhận xét