Tản mạn về việc ăn chay
Ăn chay hiện được xem là một xu hướng toàn cầu hóa. Không chỉ dân châu Á mà ngay cả người dân phương Tây cũng bắt đầu ăn chay.
Tuy nhiên, không phải ai ăn chay cũng hiểu rõ nguồn gốc của việc ăn chay, ý nghĩa và tất cả các vấn đề liên quan đến việc này. Theo tác phẩm “Trung Quốc Phật giáo sử”, nguồn gốc của việc ăn chay có thể bắt nguồn từ Vua Lương Võ Đế (502 – 536). Ông Vua này là một người rất tín ngưỡng Phật giáo và đã có công kiến tạo nhiều ngôi chùa đồ sộ ở Trung Quốc; lập đàn tràng trai tăng chẩn tế và thay mặt Tăng già giảng kinh nói pháp, chú giải kinh điển. Ông đã từng ban ra tổng cộng 4 sắc lệnh với nội dung bắt Tăng Ni phải triệt để ăn chay. Từ đó, Tăng Ni Phật giáo Trung Quốc bắt đầu ăn chay theo kiểu này. Một số nước chịu ảnh hưởng của Phật giáo Trung Quốc như Việt Nam, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Nhật Bản cũng đều ăn chay, không ăn mặn.
Việc ăn chay có thể do nhiều lý do khác nhau như đạo đức, y tế, tôn giáo, chính trị, môi trường, văn hóa, thẩm mỹ, kinh tế… và có nhiều hình thức ăn chay như:
– Ăn chay theo Phật giáo: không ăn tất cả các sản phẩm từ động vật cũng như một số loại rau trong chi Hành (có mùi thơm đặc trưng của hành và tỏi), có thể tương ứng với các loại cây hành, hẹ, tỏi, nén và kiệu gọi chung là ngũ tân.
– Ăn chay có trứng (ovo): có thể ăn trứng nhưng không ăn các sản phẩm từ sữa.
– Ăn chay có sữa (lacto): có thể ăn các sản phẩm từ sữa nhưng không ăn trứng.
– Ăn chay có cả sữa và trứng (ovo-lacto): có thể ăn một số sản phẩm từ động vật hoặc từ sữa như trứng, sữa và mật ong.
– Ăn chay hoàn toàn không sử dụng bất cứ thứ gì từ động vật (thuần chay – vegan): không dùng tất cả các loại thịt động vật và sản phẩm từ động vật bao gồm cả sữa, mật ong và trứng; cũng có thể loại trừ bất kỳ sản phẩm nào được thử nghiệm trên động vật hoặc sử dụng các trang phục có nguồn gốc từ động vật.
– Ăn chay sống hay là ăn chay tươi (Raw foodism): chỉ ăn các loại trái cây tươi và chưa nấu chín, các loại hạt và rau củ. Rau củ có thể chỉ được nấu chín lên đến một nhiệt độ nhất định.
– Ăn chay theo Kỳ Na giáo: có bao gồm sữa nhưng không ăn trứng, mật ong và các loại củ hay rễ cây.
– Ăn chay theo kiểu chỉ cho phép ăn các loại trái cây, các loại hạt, hạt giống và thực vật khác nếu việc thu hoạch những thực phẩm này không gây hại đến cây trồng.
– Ăn chay theo chế độ thực dưỡng: chủ yếu ăn các loại ngũ cốc nguyên cám và đậu hoặc theo phương pháp dưỡng sinh của Ohsawa (chế độ ăn gạo lức muối mè).
Albert Einstein (1879 – 1955), nhà bác học nổi danh của thế kỷ thứ 20 đã nói “Không gì ích lợi cho sức khỏe của con người để có cơ hội sống lâu trên quả địa cầu này bằng cách ăn chay”. Nhà danh họa và điêu khắc gia người Italy – Léonard Da Vinci (1452 – 1519) đồng thời cũng là một thi sĩ nổi tiếng thế giới thì quan niệm ăn chay là đạo đức của con người và tránh được những tội ác về sát sinh. Ông còn nhấn mạnh những ai không biết quý trọng sự sống của những sinh vật khác là những kẻ không đáng sống. Trong nhật ký, ông thường viết những câu danh ngôn về lòng từ bi bác ái và luôn có những hành động thể hiện lòng yêu quý với các loài sinh vật khác.
Nhà tư tưởng vĩ đại của Trung Quốc – Mạnh Tử – cũng từng nói: “Kiến kỳ sinh bất nhẫn kiến kỳ tử, văn kỳ thanh bất nhẫn thực kỳ nhục, dĩ quân tử viễn trù giả” (Khi chúng ta thấy động vật lúc còn sống thì chúng ta không thể nào nhẫn tâm mà giết chúng, khi nghe tiếng kêu thảm thiết của chúng thì chúng ta không nhẫn tâm ăn thịt chúng, nếu là quân tử hãy tránh xa nhà bếp).
Nhận xét
Đăng nhận xét