Chùa Xá Lợi (Thành phố Hồ Chí Minh)

Cách bài trí một tượng Phật duy nhất, tôn nghiêm cộng với giá trị nghệ thuật của pho tượng đã góp phần làm nên nét đặc thù riêng của chùa Xá Lợi.

Chùa Xá Lợi (Thành phố Hồ Chí Minh)

Lịch sử và kiến trúc

Chùa Xá Lợi là một trong những ngôi chùa nổi tiếng ở thành phố Hồ Chí Minh. Chùa tọa lạc tại số 89 đường Bà Huyện Thanh Quan, phường 7, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh, điện thoại: 083.9307438, 083.9300114.

Chùa chính thức khởi công xây dựng ngày 5/8/1956 (nhằm ngày 29/6 năm Bính Thân) trên một diện tích 2500 m2, do Câu lạc bộ Đông Dương nhượng lại với số tiền tượng trưng là một đồng bạc Việt Nam. Chùa được xây dựng theo bản vẽ của hai kiến trúc sư Trần Văn Đường và Đỗ Bá Vinh, với sự tham gia kỹ thuật của hai kỹ sư Lê Văn Hổ và Trương Văn Khoa cùng với sự đôn đốc thi công của hai kỹ sư Dư Ngọc Ánh và Hồ Tố Thuận.

Thời gian thi công ngôi chùa là mười bảy tháng và hoàn thành ngày 2/5/1958. Chùa được khánh thành vào các ngày 2-4/5 /1958 (nhằm ngày 14-16/3 năm Mậu Tuất).

Chùa Xá Lợi chỉ mới trải qua một lần trùng tu duy nhất trong ba năm, từ 1999 đến 2001. Đợt trùng tu này đã giữ nguyên vẻ kiến trúc ban đầu của ngôi chùa.

Chùa được xây dựng theo phong cách kiến trúc hiện đại nhưng vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống dân tộc. Đây là ngôi chùa lầu đầu tiên ở thành phố Hồ Chí Minh, mở đầu cho lối kiến trúc mới của Phật giáo: Trên Bái đường, dưới Giảng đường. Đồng thời trên nóc Chính điện là những đầu mái uốn cong truyền thống. Kiến trúc ngôi chùa có các hạng mục: cổng tam quan, ngôi chính điện, giảng đường, tháp chuông bảy tầng, thư viện, văn phòng Ban quản trị, khu tăng phòng, nhà trai đường, phòng khách, đoàn quán gia đình Phật tử, phòng phát hành kinh sách, nhà vãng sinh và các vườn cảnh.

Trong số những công trình nêu trên thì, kiến trúc mang nét đặc trưng làm nên phong cách riêng của chùa Xá Lợi là ngôi Chính điện và tháp Chuông bảy tầng.

Ngôi Chính điện có chiều rộng 15m2, chiều dài 31m2 . Chính điện được thiết kế rộng rãi, thoáng mát, hiệu quả ánh sáng được vận dụng tốt nhờ hệ thống các cửa sổ cao, cọng với mặt tường được tô đá rửa màu vàng lợt.

Trên tường xung quanh Chính điện có 14 bộ tranh mô tả lịch sử cuộc đời đức Phật từ lúc Đản sanh đến khi nhập Niết bàn. Bộ tranh này do giáo sư Nguyễn Văn Long Trường Đại học Mỹ thuật Gia Định thực hiện năm 1958. Tranh được vẽ bằng chất liệu sơn bột màu, rất sinh động, trông vào như đắp nổi. Đây là tác phẩm rất có giá trị nghệ thuật về phong cách họa tiết.

Ngoài ra, trên Chính điện còn có một tháp bằng ngọc, hình lá Bồ đề, bên trong đựng ngọc Xá Lợi của đức Phật Thích Ca. Tháp đựng Xá Lợi được tôn trí ở trên cao, ngay trước tượng Phật Thích Ca.

Mặt trước chùa là cổng Tam quan chính, nhìn ra đường Bà Huyện Thanh Quan. Cổng Tam quan phụ mở ra phía đường Sư Thiện Chiếu. Phía trong cổng Tam quan chính, bên trái là tháp Chuông bảy tầng cao 32m được khởi công xây dựng ngày 15 tháng 12 năm 1960 và khánh thành ngày 23 tháng12 năm 1961. Trong tháp treo Đại hồng chung. Đại hồng chung đã phải đúc hai lần. Lần đầu đúc ngày ngày 01 tháng 03 năm 1961 bị hỏng. Lần hai đúc ngày 15 tháng 04 năm 1961 (nhằm ngày 01 tháng 03 năm Tân Sửu), cân nặng 2 tấn, đường kính 1,2m, cao 1,6m, rót đồng tại phường Phường Đúc Huế theo mẫu của đại hồng chung chùa Thiên Mụ. Đại hồng chung được treo lên tháp ngày 17 tháng 10 năm1961 (nhằm ngày 08 tháng 09 năm Tân Sửu).

Ngoài sân bên trái chính điện có một cây Bồ đề do ông Trần Văn Hậu mang về từ Colombo, thay thế cho cây Bồ đề do ngài Narada mang sang tặng năm 1953 đã bị chết. Cạnh cây Bồ đề có đài Bốt tát Quán Thế Âm Lộ Thiên.

Chùa Xá Lợi là ngôi chùa đặc biệt không có câu đối. Nhưng bù lại chùa lại có những pháp khí qúi giá khác như:

- Bức hoành phi đề bốn chữ Hán tự “Đông thùy pháp vũ” do chính tay Từ Hy thái hậu viết. Bức hoành phi này được ông Bùi Văn Thương, Đại sứ Việt Nam Cọng Hòa tại Tokyo mua ở Nhật để tặng cho chùa vào tháng 3/1963.

- Một tháp bằng bạc trong đựng ngọc Xá lợi của Đức Hoạt Phật Chương Gia Đại Sư do Pháp sư Diễn Bồi mang từ Đài Loan sang tặng chùa Xá Lợi vào ngày 11/12/1960.

- Một ngọn tháp bằng đồng lấy kiểu từ ngọn tháp cổ đã tìm lại được dưới đất sâu tại Ấn Độ hồi thế kỉ 18. Ngọn tháp này do ông S. Gupta, Tổng lãnh sự Ấn Độ tại Việt Nam đến chùa Xá Lợi nhân danh Ban tổ chức lễ kỉ niệm Buddha Jayanti tặng cho ông Hội trưởng Hội Phật Học Nam Việt vào ngày 25/8/1957.

Về kinh điển, có thể nói, chùa Xá Lợi là ngôi chùa Bắc tông duy nhất ở Việt Nam hiện lưu giữ pho kinh Pali viết trên lá buôn cổ xưa nhất. Pho kinh này đã trên một ngàn năm tuổi. Bản kinh dài 45 cm, rộng 6cm, hai đầu có dùi lỗ để xỏ chỉ xâu lại. Bìa kinh làm bằng gỗ, sơn son thép vàng, có trang trí hoa văn cầu kì. Pho kinh được bọc trong một khăn lụa ngũ sắc. Bản kinh được cung thỉnh về chùa Xá Lợi vào ngày 16/6/1957. Nội dung pho kinh này chép những lời ngọc của đức Thế Tôn khi Ngài bắt đầu chuyển bánh xe Pháp luân.

Tượng thờ và bài trí tượng thờ

Tượng thờ tại chùa Xá Lợi rất đơn giản. Chùa chỉ thờ duy nhất một tượng Phật Thích Ca trên chính điện.

Trần Hồng Liên trong bài Khái quát về những ngôi chùa ở Nam Bộ cho rằng: “Do ảnhhưởng của phật giáo Nam tông du nhập vào Nam Bộ hay của người Khmer sống lâu đời tại đây, đã đưa đến sự hình thành một Phật điện khá đặc biệt trong ngôi chùa Phật giáo Đại thừa (trường hợp chùa Xá Lợi)”.

Ý kiến trên của Trần Hồng Liên có phần đúng. Cách bài trí tượng thờ ở chùa Xá Lợi có nét gần gũi với Phật giáo Nam tông hơn. Chánh điện chùa Phật giáo Bắc tông thường tôn trí nhiều bệ thờ, nhiều tượng Phật. Nhưng ngược lại, chánh điện chùa Phật giáo Nam tông chỉ thờ một pho tượng Thích Ca mà thôi. Ngay cách trang trí cũng thanh thoát, nhẹ nhàng nhưng vẫn không kém phần trang nghiêm, thành kính.

Pho tượng Phật Thích Ca duy nhất thờ trên Chánh điện chùa Xá Lợi hiện nay là do cư sĩ Chánh Trí Mai Thọ Truyền đặt họa sĩ kiêm điêu khắc gia Lê Văn Mậu trường Mỹ Thuật Biên Hòa tạc. Tượng được làm bằng chất liệu đá cẩm thạch màu hồng. Tượng cao 6,5 m, tòa sen 1,36 m, ngang gối 3,62m, bệ cao 2 tấc, đường kính tòa sen 3,62 m x 2,64 m. Giá tiền chi phí để tạc pho tượng này 180.000 đồng.

Pho tượng sau khi được trường Mỹ Thuật Biên Hòa lên cốt, một phái đoàn của Giáo hội và Hội, có sự tham gia ý kiến của một giáo sư hội họa, đến xem, phê bình và bắt sửa chữa lại những chỗ khuyết điểm và thợ đã bắt đầu làm khuôn vào ngày 10/12/1957. Như vậy, pho tượng Phật ngày nay đã được tạc rất kỹ lưỡng và công phu.

Tượng Phật được đúc xong ngày 24/12/1958. Tượng Phật được làm lễ an vị vào ngày 12/2/1958 (nhằm ngày 24/12 năm Đinh Dậu).

Đến năm 1968, tượng được thếp lại toàn thân màu vàng như hình dáng ngày nay.

Ban đầu khi chùa Xá Lợi được hoàn thành thì pho tượng Phật Thích Ca đã được ông Trương Đình Ý đắp. Nhưng vì pho tượng này qúa to và không chắc nên không thể đưa lên tòa sen được. Hơn nữa, tượng này còn nhiều khuyết điểm về nghệ thuật nên chùa đã cúng cho chùa khác (nay là tượng Phật Cô Đơn).

Cách bài trí một tượng Phật duy nhất, tôn nghiêm cọng với giá trị nghệ thuật của pho tượng đã góp phần làm nên nét đặc thù riêng của chùa Xá Lợi.

Chùa Xá Lợi (Thành phố Hồ Chí Minh)

Sinh hoạt và lễ hội

Ngôi chùa đối với người Việt Nam không những là nơi thờ tự mà còn là trung tâm văn hóa giáo dục, là nơi sinh hoạt văn hóa nghệ thuật và hội hè của tất cả mọi người.

Chùa Xá Lợi, với truyền thống là ngôi chùa Phật học, nên những chức năng trên càng thể hiện rõ.

Về giáo dục: Chùa Xá Lợi thuyết giảng Phật pháp vào mỗi sáng chủ nhật hàng tuần và lớp giáo lí dành cho Phật tử tại gia, học từ 2 giờ 00 đến 5 giờ 00 ngày chủ nhật hàng tuần.

Ngoài ra còn có lớp Thư pháp dành cho mọi đối tượng yêu thích môn nghệ thuật này. Lớp Thư pháp học vào các ngày thứ 2, thứ 3 và chủ nhật do nhà thư pháp Chính Trung phụ trách.

Nằm trong phạm vi giáo dục, còn phải kể đến thư viện của chùa Xá Lợi. Thư viện hiện có trên 3000 đầu sách, trong đó có hai bộ Đại tạng king bằng chữ Hán rất có giá trị, đó là bộ Đại Chính Tân Tu Đại Tạng Kinh và bộ Tân Tu Tục Tạng. Thư viện mở cửa phục vụ ngày hai buổi suốt cả tuần. Từ thứ hai đến thứ năm dành cho bạn đọc người Việt, từ thứ sáu đến chủ nhật dành cho bạn đọc người Hoa.

Tại thư viện còn treo và trưng bày một số tranh thư pháp, thư họa của nhà thư pháp Chính Trung. Ông cũng là người quản lí thư viện chùa Xá Lợi.

Ngoài Thư viện còn có phòng phát hành kinh sách, phát hành hầu hết các kinh sách Phật giáo, các loại sách văn học, triết học, văn hóa, du lịch và một số văn hóa phẩm Phật giáo khác như: tranh, tượng, chuỗi, chuông mõ, đồ thờ cúng...

Về lễ hội: Ngoài các ngày lễ chung của Phật giáo như Phật đản, Vu lan, Rằm tháng Giêng, Tết Nguyên Đán, chùa còn có hai ngày lễ lớn nữa, đó là ngày lễ giỗ kị ông Hội trưởng Chánh Trí Mai Thọ Truyền vào ngày 15/3 Âm lịch và Đàn Dược Sư vào tháng Giêng Âm lịch. Nhưng tất cả ngày lễ trên mới chỉ là lễ, chưa thể gọi là lễ hội.

Chùa Xá Lợi còn là ngôi chùa thường hay tổ chức lễ hằng thuận (lễ cưới) cho những cặp uyên ương là Phật tử và những ai muốn tổ chức lễ cưới theo nghi thức Phật giáo.

Bạn muốn thư lắng tâm hồn sau những ngày làm việc căng thẳng? Bạn muốn chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc vừa cổ kính vừa hiện đại và tham gia vào những lễ hội tâm linh? Mời bạn đến viếng thăm chùa Xá Lợi.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

9 Phẩm chất làm nên một người quân tử, bạn có được bao nhiêu?

Thần Chết

Luận ngữ: 50 Câu tinh hoa cổ nhân truyền lại