Ăn chay trong mùa Báo hiếu

Tháng Bảy khi bắt đầu những trận mưa ngâu, ngoài trời thoáng một chút heo may nhè nhẹ cũng là khi lòng người náo nức hướng về ngày lễ lớn trong năm: Lễ Vu lan Báo hiếu cùng với những món ăn chay quen thuộc.

Tôi chẳng biết lễ Vu lan có từ đâu và bắt đầu từ khi nào, chỉ biết từ khi tôi còn rất nhỏ, trong lời ru, câu dạy của bà, của mẹ đã nhắc đến ngày này như một điều gì đó rất thiêng liêng và cao cả. Khi tôi đủ lớn để nhận thức mọi việc xung quanh, năm nào cũng vậy, để chuẩn bị cho ngày rằm tháng Bảy, bà và mẹ phải rục rịch từ đầu tháng. Tôi vẫn còn nhớ như in câu chuyện kể của bà từ khi còn thơ bé. Bà bảo tháng Bảy là tháng xá tội vong nhân. Đây là dịp để con cháu vì trung tiên vong linh của tiền nhân mà làm tròn đạo hiếu.

Ăn chay trong mùa Báo hiếu

Cũng như bao nhà theo đạo Phật khác, năm nào cũng vậy, ngoài phần cúng cầu siêu cho vong linh tiên tổ, sắm vàng mã cho các cụ, bà và mẹ cũng chuẩn bị mâm cơm chay gọi là phần tiểu thực cho cả gia đình. Bà tôi bảo, ăn chay là điều tốt, mình không như các thầy trên chùa ăn thường xuyên được, gọi là có chút tâm ăn vào ngày rằm tháng Bảy. Trong tháng Vu lan Báo hiếu, ăn chay không chỉ để cầu siêu cho tiền nhân mà còn với mục đích cầu bình an cho đấng sinh thành.

Mâm cỗ chay cả năm mới có một lần nên bà và mẹ chuẩn bị chu đáo lắm, nào chả trứng, giò nạc, sườn nướng, gà luộc, canh măng… Nghe chẳng có vẻ gì là chay nhưng đó chỉ là tên gọi thôi, tất cả chúng đều được làm từ các nguyên liệu như đậu tương, đỗ lạc, đỗ xanh cả. Làm cơm chay đòi hỏi công phu và sự khéo léo, sáng tạo rất cao.

Cái khéo của người đầu bếp là từ những nguyên liệu chay mà chế biến được những món ăn sinh động chẳng khác gì món mặn. Ví dụ, đơn giản như những món bà và mẹ tôi làm thôi cũng đủ thấy sự sinh động rồi. Này nhé, bà làm sườn bằng cùi dừa, dùng que xiên vào nhau, nướng lên thơm phức, lại vàng óng còn hấp dẫn hơn cả sườn nướng ấy chứ. Đấy là chưa kể đến con gà cúng bằng đậu tương không ai phân biệt được. Canh mướp đắng nhồi thịt với phần thịt là mộc nhĩ, nấm hương thêm chút su hào, cà rốt thì tuyệt phải nói, ăn ngon, không ngấy mà rất lạ miệng. Bà còn nấu canh dưa chua với nấm hương tươi giả thành chân giò khiến cả nhà ai cũng ngạc nhiên.

Mỗi năm mâm cỗ chay lại có một thay đổi. Bà tôi vốn nhàn rỗi, lại là một Phật tử trung thành nên rất năng lên chùa. Mỗi lần thấy nhà chùa có món gì mới là bà học bằng được mang về thực hành để đến ngày Tết, Vu lan nấu cho con cháu ăn. Đã thành tập tục, nhà tôi đúng theo nghĩa gia đình tứ đại đồng đường, con cháu đông là thế song Vu lan nào mọi người cũng tập trung đông đủ, trước là tưởng nhớ tiên tổ, sau là về thăm bà, thăm quê. Cũng chính bởi thế, với bà tôi, những món chay quan trọng lắm, đó là niềm vui của bà, là dịp để bà nhắc nhở con cháu về đạo lý làm người, về lòng biết ơn sâu sắc với tổ tiên.

Mới là những ngày đầu tháng Bảy, công việc còn bộn bề song tôi vẫn thấp thỏm đứng ngồi không yên. Mong được về với bà. Mong được hít hà mâm cỗ chay bà nấu. Năm nay, không biết bà có món gì mới. Bỗng nhiên tôi thấy mình trẻ lại. Háo hức mong chờ như đứa trẻ thơ được quần áo mới.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

9 Phẩm chất làm nên một người quân tử, bạn có được bao nhiêu?

Thần Chết

Luận ngữ: 50 Câu tinh hoa cổ nhân truyền lại