9 Đại trí huệ của người xưa, ngàn năm sau vẫn đúng


Trí tuệ của người xưa là kho tàng vô giá. Bạn có thể tìm thấy trong đó nghệ thuật xử thế, đạo lý làm người, nguyên tắc tu dưỡng bản thân… Tất cả chỉ gói gọn trong vài chữ thoạt nhìn tưởng đơn giản mà cô đọng, súc tích và đầy gợi mở.

Hãy cùng Góp nhặt cát đá tìm hiểu một số đạo lý kinh điển như thế trong bài viết này nhé. 

1. Người đại thiện như nước, ở chỗ thấp mà không tranh giành


Nước vốn nhu hòa, biết cương nhu tùy lúc, nhu thì hiền hòa, róc rách như suối, cương thì ầm ầm lũ cuốn nước trôi. Nước lại rất khiêm nhường, thường chảy về chỗ trũng, luôn nhún nhường, hạ mình, khi chảy thì thành sông, thành suối, bốc lên lại hóa mây mù mưa tuôn, ở đâu nước cũng đến được, nuôi dưỡng, thấm nhuần vạn vật. 

Làm người mà hành xử được như nước là người đại thiện

2. Người đại trí giả ngu, không cậy mình thông minh


Người có thực tài thì không để lộ tài năng ra bên ngoài. Vẻ ngoài của họ trông như đần độn, ngu tối, vụng về nhưng thực ra chỉ là giả tướng. Phải là người có đức Nhẫn cao, trí huệ cao mới thực hiện nổi điều ấy. Điều đó trái ngược hẳn với con người hiện đại luôn cho rằng tài năng phải xuất lộ ra bên ngoài để mưu cầu tiến thân, được mọi người thừa nhận.

Có một lý do giải thích cho sự lạ này, đó là làm kẻ thông minh thái quá thì thường rước vạ vào thân. Ông cha ta chẳng đã nói: “Chữ tài liền với chữ tai một vần”. Nên phàm là kẻ dũng mãnh thì chết vì đao thương, kẻ khôn khéo thì chết vì mối lợi, kẻ thông minh lại chết vì danh tiếng. Cứ giả ngu, giả si mà không tranh với đời, hưởng phúc thái bình chẳng tốt hơn sao?

3. Điềm nhiên không màng lợi, tâm sáng lập chí 


Trong Thư dạy con, Gia Cát Lượng căn dặn con trai mình: “Không đạm bạc thì không thể sáng chí, không tĩnh lặng thì không nghĩ được xa xôi”. Đạm bạc, thanh đạm là đức tính của bậc quân tử. Đạm bạc không phải là sống một đời nghèo khó, kham khổ không miếng ăn. Đạm bạc là thanh bần, vui với đạo Trời, tùy duyên hành xử, xa vòng lợi danh, giữ tròn khí tiết.

Lão Tử cũng nói: “Người điềm đạm chính là kẻ sĩ bậc thượng, thắng cũng không lấy làm đắc ý”. Muốn lập nên sự nghiệp lớn thì chí ắt phải vững vàng. Muốn cho chí vững vàng thì cái tâm phải thanh tịnh, bớt đi ham muốn, an định tinh thần.

4. Nước chảy đá mòn, quý ở kiên trì


Chuyện nhỏ coi thường, lâu ngày tích tụ thì không còn nhỏ nữa. Cũng như vậy, việc nhỏ mỗi ngày, nếu kiên trì làm sau này ắt có thành tựu. Kiên trì là đức tính rất đáng trọng của đời người. Ai có thể kiên định theo đuổi đến cùng con đường của mình người ấy sớm muộn cũng làm nên nghiệp lớn.

5. Tích lũy nhiều dùng ít một, lấy nhu thắng cương


Sự tích lũy ở đây không chỉ đơn thuần là tài vật, tiền của mà còn là tri thức, kinh nghiệm, đạo học. Người quân tử học rộng, biết nhiều nhưng chẳng mấy khi để hết cái sở học ấy lộ ra ngoài. Họ chỉ vận dụng vừa đủ những gì mình biết, mình hay. Như thế cũng là đạo lý khiêm cung, khiêm nhường, không tự cho mình là nhất.

“Lấy nhu thắng cương” chính là dùng sự mềm mỏng, nhu hòa mà khắc chế cái cứng rắn, cương nghị. Theo Đạo gia, vạn vật đều có tương sinh tương khắc, cái mềm có khi lại trị được cái cứng, mọi thứ đều thuận theo tự nhiên mà biến hóa. Người xưa cũng nói, cứng quá thì gãy, hành sự phải biết ôn hòa, mềm mỏng mới đạt được mục đích cuối cùng.

6. Biển lớn vì dung nạp nước của trăm sông


Biển lớn không phải vì hứng nước trên trời mà là biết dung nạp dòng chảy của trăm nghìn sông suối. Biển lớn và sâu cũng không chê sông cạn, suối khô, đều là khoan hòa. 

Con người cũng vậy, khoan dung, độ lượng, nhân ái, từ bi chính là không chê người khác thấp hèn, kém cỏi, không giữ thành kiến trong lòng. Có như thế, người ta mới thu được nhân tâm, lấy được lòng thiên hạ.

7. Hàm dưỡng tâm tính, trở về bản tính nguyên sơ


Người ta mới sinh là lương thiện, thuần tịnh. Nhưng theo thời gian dục vọng, cám dỗ không ngừng nảy sinh, hoàn cảnh xã hội cũng liên tục biến đổi, tác động, người ta đã không còn giữ được bản tính nguyên sơ của mình. Sự hấp dẫn của danh, lợi, tình khiến con người càng lún sâu vào một vũng lầy, khó thoát mình ra nổi.

Muốn thoát ra khỏi sự tăm tối ấy, người ta phải tu dưỡng tâm tính, vứt bỏ dục vọng mà quay trở về.

8. Thành tâm thì sẽ linh nghiệm, chỉ có phẩm đức cảm động được Trời


Trong mọi chuyện, dụng tâm, thành tâm đối đãi thì tất được thành công, mọi sự ắt linh nghiệm. Thành tâm ở đây không phải là một mực truy cầu, theo đuổi mà là có niềm tin kiên định, tâm thái đúng đắn, nguyện vọng hợp lý, lại biết nỗ lực hành sự theo niềm tin ấy. Phẩm đức cao thì ngay cả trời xanh cũng cảm động. Giữ gìn sự lương thiện cũng có thể cảm hóa lòng người.

9. Đại đạo là vô cùng đơn giản, thuần phác tự nhiên


Người ta muốn sống chiểu theo đại đạo thì: Chân thành đối xử với người, dùng lòng thiện đãi, từ bi mà chở che tất cả, chịu nhẫn nhục mà bao dung hết thảy. Đó chính là đại đạo vậy!

Chuyện trong thiên hạ có đến 8, 9 phần là không như ý. Cuộc đời bạn hẳn không thiếu những thời điểm trái ngang, cảnh ngộ túng quẫn hay khó khăn, va vấp. Phải đối diện với chúng ra sao? Hy vọng thông qua video “9 Đại trí huệ của người xưa” các bạn có thể rút ra cho mình những bài học, tri thức riêng, thành công hơn trong công việc, an yên trong cuộc sống. 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

9 Phẩm chất làm nên một người quân tử, bạn có được bao nhiêu?

Luận ngữ: 50 Câu tinh hoa cổ nhân truyền lại

Thần Chết