Chùa Trấn Quốc - Hà Nội

Lịch sử hình thành

Theo sử sách còn lưu lại, chùa Trấn Quốc ban đầu mang tên Khai Quốc (mở nước), được khai sáng từ thời Lý Nam Đế (541 – 547). Đây là ngôi chùa gắn liền với sự ra đời của nhà nước đầu tiên ở Việt Nam – nhà nước Vạn Xuân. Với tọa độ địa lí ở bên bờ nước Hồng, tại làng An Hoa, huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên nay thuộc quận Ba Đình, Hà Nội.

Vào năm 1615, dưới triều vua Lê Trung Hưng, chùa được dân làng Yên Phụ dời vào gò đất Kim Ngưu, giữa hồ Tây – trên nền cũ của cung Thúy Hoa (thời nhà Lý) và điện Hàn Nguyên (thời nhà Trần). Lúc đó, chùa cũng được di chuyển luôn tên gọi từ Khai Quốc (mở nước) sang An Quốc (giữ yên đất nước).

Đến thời vua Lê Hy Tông (1676 – 1705), khi hòn đảo Cá vàng trở thành bán đảo Cá vàng, thì ngôi chùa An Quốc cũng được đổi tên là chùa Trấn Quốc. Bức hoành phi đề chữ “Trấn Quốc Tự” treo tại gian bái điện được làm từ thời đó.

Năm 1821, vua Minh Mạng đến thăm chùa, ban 20 lạng bạc để tu sửa. Năm 1842, Vua Thiệu Trị tới thăm, ban 1 đồng tiền vàng lớn và 200 quan tiền, cho đổi tên chùa là Trấn Bắc, nhưng tên chùa Trấn Quốc từ thời vua Lê Hy Tông đã được nhân dân quen gọi cho đến ngày nay.

Như vậy, tuy có sự di chuyển trên địa danh học nhưng vẫn giữ nguyên được bản chất và bản lĩnh, cũng như cái giá trị diệu linh của ngôi chùa này đối với mệnh mênh đất nước. Tất cả đều liên quan đến sự nghiệp mở nước, yên nước và trấn giữ sự yên lành, toàn vẹn lãnh thổ cho quốc gia, dân tộc. Đó là giá trị tinh thần và tâm linh của ngôi chùa này.

Năm 1962, di tích chùa Trấn Quốc được xếp hạng loại A là một trong mười di tích của Đông Dương. Ngôi chùa cũng được nhà nước cấp bằng di tích lịch sử văn hóa vào năm 1989.

Chùa Trấn Quốc - Hà Nội

Kiến trúc

Nhìn từ xa, chùa Trấn Quốc ẩn mình giữa vòm cây xanh tốt, trên một hòn đảo duy nhất của một hồ nước ngọt lớn nhất Hà Nội. Chùa Trấn Quốc đã nhiều lần được kiến thiết và trùng tu. Năm 1624, dưới thời vua Lê Thần Tông, tòa Tam Bảo, Thiêu hương và Tiền đường được xây dựng.

Năm 1939, xây thêm Tam quan, Hậu đường và hành lang tả hữu. Đầu đời nhà Nguyễn, chùa lại được trùng tu, đúc chuông và đắp tượng.

Ngôi chùa được trùng tu gần đây nhất vào năm 2010 để chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội và Hội nghị thượng đỉnh Phật giáo thế giới lần thứ 6 tổ chức tại Việt Nam vào 11/2010. Do nhiều lần trùng tu, sửa chữa nên kiến trúc chùa đã không khỏi bị pha tạp phong cách kiến trúc của các thời kỳ.

Giữa bốn bề mặt nước mênh mông của Hồ Tây, chỉ có một con đường dài được lát gạch đỏ với hai hàng cau cao vút dẫn vào phía cổng chùa.

Theo thuật phong thủy thì nơi này địa thế rất đẹp vì bãi đất có hình con cá vàng - đầu cá là ngôi chùa (ngôi chùa quay hướng nam), đuôi cá là đường đi vào chùa với diện tích toàn bãi rộng hơn 3000m2.

Để thuận tiện theo hình thể và địa lý của khu vực, cổng chùa Trấn Quốc được xây đằng sau chùa về phía tay phải, quay mặt ra đường Thanh Niên để thuận tiện cho người dân vào lễ Phật.

Bước chân vào ngôi chùa Trấn Quốc, du khách sẽ không khỏi ngạc nhiên bởi các công trình kiến trúc của chùa được bố trí hài hòa trong khuôn viên rộng tạo ra một không gian thoáng đãng.

Đầu tiên là Tam quan chùa, qua lần trùng tu gần đây, chùa đã dựng cổng mới bằng vật liệu hiện đại, kết hợp hài hòa giữa yếu tố hiện đại và phong cách truyền thống.

Chùa Trấn Quốc - Hà Nội


Trên mái cao ở giữa có bốn đầu đao trang trí hình rồng, phượng đầu hướng lên trên, đuôi, cánh phượng cách điệu hình lá cúc.

Ở chính giữa đắp nổi bốn chữ: “Trấn Quốc Cổ Tự”. Nhìn toàn bộ, cổng chùa Trấn Quốc không đơn thuần là những mảnh đắp trang trí cho lộng lẫy lối vào mà nó còn là gạch nối mang tính chất linh thiêng, vì khi du khách bước qua cổng chùa là bước vào một thế giới siêu linh, cực lạc.

Tiến thẳng vào phía trong, kiến trúc chùa Trấn Quốc có sự sắp xếp trình tự và theo nguyên tắc kiến trúc đặc trưng của Phật giáo. Đó là gồm nhiều lớp nhà với ba ngôi chính là Tiền đường, nhà Thiêu hương và Thượng điện nối thành hình chữ Công (工). Tiền đường hướng về phía Tây. Hai bên nhà Thiêu hương và Thượng điện là hai dãy hành lang.

Hiện nay hành lang trái dùng làm Tăng phòng, hành lang phải là nơi tiếp khách và treo những bức ảnh kể về sự tích Phật Thích Ca. Mỗi bên hành lang gồm 7 gian hai trái. Sau thượng điện là gác chuông. Gác chuông được chia làm hai tầng, tầng trên thấp hơn để treo chuông, tầng dưới hiện nay dùng làm nhà khách, nằm trên trục sảnh đường chính. Bên phải là nhà Tổ, bên trái là nhà bia.

Trong chùa hiện nay đang lưu giữ 14 tấm bia. Trên bia khắc năm 1815 có bài văn của tiến sĩ Phạm Quý Thích ghi lại việc tu sửa lại chùa sau một thời gian dài đổ nát. Công việc này bắt đầu vào đầu năm 1813 và kết thúc vào năm 1815.

Trong khuôn viên vườn Tháp, nơi thờ các vị cao tăng quá cố có một công trình nổi bật, đó là tòa tháp chính “Lục Độ Đài Sen” gồm 11 tầng, cao 15m được xây dựng năm 1998. Mỗi tầng của tòa tháp có mái hiên lợp ngói vẩy cá, trang trí họa tiết mây sóng rất cầu kì. Sáu pho tượng Phật bằng đá quý nhìn ra sáu hướng tượng trưng cho sự soi xét vạn vật và ban phước cho trần thế.

Đặc biệt trên nóc tháp có tạc một “Cửu Phẩm Liên Hoa” bằng đá quý 9 tầng. Bảo tháp được xây đối xứng với cây Bồ Đề triết từ cây Đại Bồ Đề Đạo Tràng, nơi Đức Phật Thích Ca ngồi hành đạo cách đây hơn 25 thế kỉ. Cây Bồ Đề này do Tổng thống Ấn Độ R.Prasat thân hành mang tặng trong chuyến sang thăm Việt Nam vào 3/1959.

Chùa Trấn Quốc - Hà Nội


Ngôi chùa cổ kính này hiện còn lưu giữ khá nhiều hiện vật có giá trị như bộ tượng thờ ở Thượng điện. Đây là những pho tượng được tạo tác tỉ mỉ, trau chuốt và mang nét đẹp đặc trưng riêng. Đáng nói nhất là pho tượng Thích Ca nhập Niết bàn được đánh giá là bức tượng Niết bàn đẹp ở Việt Nam.

Tại ngôi chùa Trấn Quốc đã có rất nhiều vị cao tăng và danh nhân đến thụ giáo và tu trì như: Đức Văn Phong Pháp sư, Khuông Việt, Ngô Chân Lưu, Thảo Đường, Thông Biện, Tịnh Không… Năm 580, vị Phạm tăng Tì Ni Đa Lưu Chi từ Ấn Độ đã qua đây rồi mới đến tu trì ở Pháp Vân. Đời Lý (Bát Diệp), Thái hậu Ỷ Lan thường mở tiệc Trai Tăng và cùng các chư Tăng đàm đạo tại ngôi chùa này.

Với lịch sử xây dựng trên 1500 năm, nơi kinh đô của Phật giáo trong thời kì Lý – Trần, chùa Trấn Quốc được xem là danh thắng chốn Kinh kì xưa và thủ đô Hà Nội ngày nay. Đến chùa du khách không chỉ lễ Phật cầu kinh, mà còn được đắm mình trong không gian của nghệ thuật, của thiên nhiên hài hòa giữa bình lặng trời nước, lắng nghe tiếng chuông chùa ngân nga đều đều, thấy hồn mình tĩnh tại giữa những dấu xưa mang hồn đất Việt ngàn đời.

Hoạt động tại chùa

Chùa Trấn Quốc tọa lạc tại số 32 đường Thanh Niên, Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội.

Ngày mồng 1, 15 âm lịch hàng tháng: Tụng kinh niệm Phật, thuyết pháp và thực hiện các nghi lễ: Phóng sinh, cầu siêu …

Ngày thường: Tụng kinh niệm Phật, thuyết pháp.

Mùa lễ hội hoặc ngày lễ trọng đại của Phật giáo (lễ Vesak, Vu Lan…): Chùa có tổ chức thêm các chương trình giao lưu văn nghệ Phật giáo, tiệc thọ trai, thả đèn hoa đăng phục vụ Phật tử và khách du lịch thập phương.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

9 Phẩm chất làm nên một người quân tử, bạn có được bao nhiêu?

Luận ngữ: 50 Câu tinh hoa cổ nhân truyền lại

Thần Chết