Chùa Quán Sứ Hà Nội

Chùa Quán Sứ là trụ sở của Trung ương hội Phật giáo Việt Nam,  tọa lạc tại số 73, phố Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm – Hà Nội.

Lịch sử chùa Quán Sứ

Chùa được xây dựng vào thế kỷ 15. Vào thời vua Lê Thế Tông, nguyên xưa ở phường Cổ Vũ chưa có chùa nên nhà vua cho dựng một tòa nhà gọi là Quán Sứ để tiếp đón các sứ thần đến Thăng Long. Được biết sứ thần các nước này đều sùng đạo Phật nên lại dựng thêm một ngôi chùa cũng nằm trong khuôn viên Quán Sứ để họ có điều kiện hành lễ.

Chùa Quán Sứ Hà Nội

Đến năm 1822, chùa được sửa sang thêm các khu hành lang, tô tượng, đúc chuông để làm chỗ lễ bái cho quân nhân ở đồn này.

Năm 1934, Tổng hội Phật giáo Bắc Kỳ thành lập chọn lấy chùa làm trụ sở trung ương. Đến năm 1942 chùa đã được xây dựng lại theo bản thiết kế do hai kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Ngoạn và Nguyễn Xuân Tùng do chính Tổ Vĩnh Nghiêm duyệt.

Chính nơi đây vào ngày 13/5/1951, lần đầu tiên lá cờ Phật giáo thế giới do Thượng tọa Tố Liên mang về từ Colombo đã xuất hiện trên bầu trời Hà Nội.

Ngày nay, chùa thuộc số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội.

Kiến trúc chùa Quán Sứ

Chùa Quán Sứ Hà Nội

Tam quan của chùa có ba tầng mái, nằm giữa là lầu chuông. Qua tam quan là một sân rộng lát gạch, lên 11 bậc là tới chánh điện cao, hình vuông, xung quanh có hành lang.

Điện Phật gồm các pho tượng đều khá lớn và thếp vàng lộng lẫy được bày trí trang nghiêm. Ở phía trong cùng, ba vị Tam thế Phật được thờ trên bậc cao nhất. Gian bên phải chánh điện thờ Lý Quốc Sư (tức Thiền sư Minh Không) với hai thị giả, gian bên trái thờ tượng Đức Ông và tượng Châu Sương, Quan Bình. Phía Đại Hùng Bảo Điện là nhà thờ Tổ, nơi thờ Lịch Đại Tổ Sư của Phật giáo Việt Nam.

Hoạt động văn hóa ở Chùa Quán Sứ

Lễ Vu lan

Chùa Quán Sứ Hà Nội

Lễ Vu Lan là một nét đẹp trong văn hóa của người Việt, thể hiện lòng hiếu thảo của con cháu đối với cha, mẹ, tổ tiên, nghĩa tình nhân ái đối với chúng sinh. Tại Chùa Quán Sứ, Lễ Vu Lan được tổ chức từ ngày 10 đến 15 tháng 7 âm lịch với các hoạt động: Lễ Cầu siêu, Lễ “Bông hồng cài áo”, Lễ “Cúng mông sơn thí thực”, Lễ “mở cửa ngục”, diễn văn nghệ, thọ trai…

Vào 19 giờ, ngày 10 tháng 07 âm lịch các Phật tử, gia đình Phật tử của Chùa cùng về dự Lễ “Bông hồng cài áo” và liên hoan văn nghệ “Báo Ân - Báo hiếu”. Đúng 19 giờ 30 phút, câu lạc bộ Thanh Thiếu niên Phật tử, câu lạc bộ Sinh viên Phật tử cùng cung nghinh các Hoà Thượng về dự Lễ. Phát biểu khai mạc buổi lễ thượng tọa Thích Thanh Điện đã chia sẻ ý nghĩa ngày lễ “Báo Ân - Báo hiếu”, về “Tứ trọng ân” đối với tín đồ Phật tử.

Trong không khí của buổi lễ diễn ra nghi thức “Bông hồng cài áo”, các Phật tử và khách có mặt đều được cài lên ngực áo một bông hồng. Những ai hạnh phúc nhất khi đang còn mẹ được cài bông hồng đỏ lên ngực áo, còn hoa hồng trắng cài lên ngực những ai không còn mẹ - một nghi thức chứa đựng ý nghĩa sâu sắc, nhân văn cao cả. Những tiết mục văn nghệ về người mẹ và ân nghĩa của mẹ lần lượt được các ca sĩ trong và ngoài chùa thể hiện.

Cũng trong Đại Lễ Vu Lan còn có ba ngày Hành Đạo của Tăng đoàn (vào ngày 10, 11, 12 tháng 07 âm lịch). Ba ngày này, Tăng đoàn chỉ tập trung tụng kinh để giúp các Phật tử báo ân báo hiếu với cha mẹ, tổ tiên - cầu cho cha mẹ, tổ tiên của Phật tử trăm họ được siêu thoát, đồng thời cứu giúp chúng sinh không người thờ cúng (cô hồn) thoát khỏi địa ngục. Gần 1000 người với khoảng 85% là nữ giới, có cả những cụ bà đã 80, 90 tuổi cùng về dự khóa lễ Phật buổi sáng với các Tăng, Ni cùng nhịp tụng Kinh Vu Lan (hay còn gọi là Xám Mục Kiền Liên), Kinh Hồng danh xám hối, Kinh Dược Sư, Kinh A Di Đà trong tiếng mõ, chuông hòa nhịp linh thiêng được tăng âm phát ra từ chính điện do một Hòa Thượng làm chủ lễ xướng và cả gần nghìn người tụng theo vang vọng khắp Chùa.

Vào ngày thứ ba Hành Đạo, lúc 18 giờ diễn ra Lễ cúng Mông sơn thí thực (lễ cúng tặng thức ăn cho những vong hồn nghèo đói, lang thang, không nơi nương tựa, không người thờ cúng). Nhiều Phật tử và những người sùng tín đạo Phật về Chùa cùng góp lễ, người mua bánh mì, người mua quần áo mã…

Lễ cúng Mông sơn thí thực kết thúc, Phật tử của hai câu lạc bộ và các đạo tràng tiếp tục chuẩn bị cho Lễ Mở cửa ngục diễn ra vào lúc 20 giờ cùng ngày. Nghi lễ do hòa thượng Pháp chủ về chính điện hành lễ, lúc này chính điện đã kín các Phật tử và những người dân quanh vùng đội mưa về chùa tham dự lễ.

Nghi lễ diễn ra trong sự thành kính với Phật, thành tâm với chúng sinh, bao gồm các nghi thức: Nhiễu đàn, đọc khóa cúng, bắt quyết, múa long hồ, sái tịnh chân ngôn, dâng lục cúng, thỉnh mời cô hồn, đọc sớ cầu an. Khóa lễ diễn ra trong khoảng 90 phút, tiếng âm nhạc Phật giáo do chư Tăng Chùa Quán Sứ thể hiện qua các bài canh, kệ, tán, tụng da diết và trầm bổng, cùng với lời lẽ các bài lễ tụng chứa đựng những chất liệu là tinh hoa của Nghệ thuật Tuồng, Chèo, những làn điệu dân ca tạo ra khóa lễ nghệ thuật vô cùng độc đáo và hấp dẫn, tràn đầy sắc thái linh thiêng.

Hoạt động văn hóa tại Nhà giảng

Chùa Quán Sứ Hà Nội

Nhà giảng của Chùa Quán Sứ là một Hội trường dành để thuyết giảng Kinh, pháp, đồng thời cũng là nơi tổ chức các đại lễ, hội thảo, hội nghị, hội diễn văn nghệ của Phật tử các câu lạc bộ.

Vào sáng chủ nhật hàng tuần, tại Nhà giảng, các Hòa Thượng; Tăng của Học viện Phật giáo… thuyết giảng về Kinh - Luận với sự tề tựu của các đạo tràng trong Chùa và Phật tử cùng khách thập phương quan tâm.

Đặc biệt, với ba tháng An cư Kiết Hạ hay còn gọi là Trường Hạ, theo truyền thống và sự phân bổ của giáo hội (có thay đổi theo năm), các Tăng, Ni thuộc các quận xung quanh Chùa cùng về học Hạ (54 người, theo khảo sát ngày 16 tháng 04, các ngày rằm tháng 05, 06 và 11,12,13 tháng 07 âm lịch năm 2015 của chúng tôi).

Ba tháng này, tại Nhà giảng đều tổ chức thuyết giảng kinh, pháp vào tất cả các buổi sáng (trừ sáng thứ 7) hàng tuần và luôn luôn đông Phật tử nhất so với những tháng khác trong năm: khoảng 480 người, đặc biệt là Phật tử tuổi từ 50 đến 60. Nội dung thuyết giảng trong ba tháng này của các hòa thượng:

Thuyết giảng các bộ kinh, năm 2015 vừa qua, thuyết giảng Đại thừa kinh tạng Diệu Pháp Liên Hoa.

Mặt khác, giảng đường còn là nơi tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa khác như các hội nghị, hội thảo về chủ đề Phật pháp với xã hội; thế giới. Cũng tại giảng đường, diễn ra những hoạt động nghệ thuật của các câu lạc bộ như: “Tri ân tới các anh hùng, liệt sĩ”, lễ vinh danh “Những người con gái của Đức Phật”…

Hoạt động của các Đạo tràng

Theo thông tin từ cư sĩ Nguyễn Thị Xuân Loan (Ủy viên HĐTS TW GHPGVN, Phó thường trực Ban hướng dẫn Phật tử TW), Chùa Quán Sứ hiện có 18 Đạo tràng. Mỗi Đạo tràng có khoảng 55 đến 120 Phật tử, phần lớn có độ tuổi từ 50 đến 63 tuổi. Các Đạo tràng luân phiên sinh hoạt đều đặn vào những ngày quy định riêng đã đăng ký trong tháng. Hoạt động thường nhật của các đạo tràng chủ yếu là tụng kinh, niệm Phật, và nghe giảng pháp…

Các tín đồ, Phật tử của Chùa thường tụng Kinh Phổ Môn, Kinh Dược Sư, Diệu Pháp Liên Hoa (Pháp Hoa), Lưu Hoàng Sám, Di Đà. Về niệm Phật, thường niệm danh hiệu các đức Phật A Di Đà, đức Thích Ca Mâu Ni, đức Quan Âm Bồ Tát, đức Phật Dược Sư, đức Địa Tạng Vương Bồ tát và câu: Om ma ni pat mé hum.

Bên cạnh việc cùng nhau tụng kinh ở Chùa Quán Sứ, khoảng 03 - 06 tháng, các đạo tràng lại tổ chức quyên góp trong Đạo tràng và các gia đình, bạn bè thân thuộc của họ để đi cúng tượng; khánh thành một ngôi chùa khác trong khu vực lân cận.

Hoạt động từ thiện, đền ơn đáp nghĩa cũng được các đạo tràng phát động quyên góp tùy tâm, tùy điều kiện để tặng những xuất quà ý nghĩa mỗi dịp tết cổ truyền hay ngày thương binh 27 tháng 07; ngày chuẩn bị khai giảng năm học mới… Bên cạnh đó, đạo tràng thường xuyên cùng nhau chia sẻ, tuyên truyền, giáo dục trau dồi giới đức, an vui tu tập theo đúng phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”.

Đặc biệt, đạo tràng Tuệ Bi có hình thức sinh hoạt phong phú và hấp dẫn hơn bởi tổ trưởng (huynh trưởng) Bảo Hà với lòng nhiệt tâm, khả năng sư phạm, tổ chức hoạt động tập thể tốt giúp các Phật tử thêm cảm nhận sâu sắc ý nghĩa những điều Phật dạy, thêm gần gũi chia sẻ, thêm sự thu hút, hấp dẫn cho hoạt động của Đạo tràng.

Hoạt động của các Câu lạc bộ

Hoạt động của các câu lạc bộ (CLB) tại Chùa Quán Sứ khá phong phú gồm nhiều đối tượng, thành phần như: CLB Thanh thiếu niên Phật tử, CLB Sinh viên Phật tử, CLB Cựu chiến binh Phật tử.

CLB Thanh thiếu niên Phật tử Quán Sứ hoạt động được hơn 10 năm, do sự chỉ đạo của thượng tọa Thích Thanh Điện - Phó Tổng Thư ký Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo và cư sĩ Nguyễn Thị Xuân Loan. CLB là một tổ chức tự nguyện tham gia của Thanh thiếu niên Phật tử lứa tuổi từ 15 - 35 có nhu cầu tìm hiểu về giáo lý Phật pháp, bảo vệ Phật pháp, hăng hái trong công tác hoằng dương chính Pháp.

CLB được tổ chức định kỳ, thường xuyên vào tối thứ 6 hàng tuần và tối ngày 23 âm lịch hàng tháng từ 18 giờ đến 20 giờ 30 phút, ngoài ra còn có thêm các ngày ngày lễ như: Đại lễ Phật Đản, Vu Lan báo hiếu, ngày vía (theo quan niệm của Phật giáo, đây là ngày sinh; ngày xuất gia hoặc ngày mất) Đức A Di Đà, Đức Quán Thế Âm, Đức Dược Sư. Nội dung sinh hoạt cụ thể: Học nghi lễ, tụng kinh, niệm Phật, thắp nến cầu nguyện hòa bình, trao đổi chia sẻ giáo lý, quan tâm giúp đỡ những bạn có hoàn cảnh khó khăn, đau ốm.

CLB Sinh viên Phật tử Quán Sứ cùng sinh hoạt chung với CLB Thanh, Thiếu niên Phật tử Quán Sứ nhưng CLB Sinh viên Phật tử hằng năm có thêm hoạt động: Vào dịp hè, hưởng ứng phong trào “Tôi yêu Việt Nam” với nhiều hoạt động sôi nổi và thiết thực.

CLB Cựu chiến binh Phật tử Quán Sứ đã hoạt động được 06 năm do sự chỉ đạo của Hội đồng trị sự Tùng lâm Quán Sứ. CLB từ khi thành lập có 35 người, nay là 58 người, sinh hoạt đều đặn thứ hai hàng tuần. Nội dung sinh hoạt thường nhật: Tụng kinh, lễ Phật, chia sẻ giáo lý Phật pháp, tham gia các hoạt động Phật sự như: Phiên dịch mỗi khi chùa đón khách nước ngoài, phục vụ hội nghị, hội thảo Phật giáo do Nhà chùa tổ chức. Ngoài ra, hằng năm CLB tổ chức nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa tới các gia đình có công với đất nước thường xuyên thăm các thương bệnh binh ở các trại thương binh khu vực lân cận.

Hoạt động của Thư viện

Thư viện Chùa Quán Sứ là một thiết chế văn hóa của Chùa, người khởi xướng việc lập thư viện tại Chùa là Thúc Ngọc Trần Văn Giáp nhưng đến ngày 13 tháng 07 năm 1939, Thư viện Chùa Quán Sứ mới chính thức hoạt động.

Thư viện Chùa Quán Sứ vào loại khá ở Hà Nội (và là thư viện chùa đầu tiên ở miền Bắc), mở cửa tất cả các ngày trong tuần, sáng từ 8 giờ đến 11 giờ, chiều từ 14 giờ đến 17 giờ. Đội ngũ những người làm việc ở đây đều là tình nguyện không nhận trợ cấp, những cán bộ, nhà giáo nghỉ hưu có tâm với đạo Phật thay nhau trực, phục vụ bạn đọc.

Với nguồn sách, tài liệu về Phật giáo phong phú đã thu hút một lượng lớn độc giả đến với Thư viện Chùa. Đó là những Tăng, Ni, cư sĩ tại gia và cả những người nghiên cứu có học vấn cao muốn nghiên cứu, tìm hiểu về Phật pháp…

Ngoài ra đối tượng bạn đọc thường xuyên là các Phật tử ở gần Chùa tìm học pháp với đủ đối tượng già, trẻ, trai gái, nhưng thường là những người có văn hóa và học thức khá cao. Theo số liệu ghi chép của Ban quản lý Thư viện Chùa Quán Sứ, tính đến tháng 12 năm 2015 số bạn đọc cấp thẻ thư viện là hơn 3500 người.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

9 Phẩm chất làm nên một người quân tử, bạn có được bao nhiêu?

Luận ngữ: 50 Câu tinh hoa cổ nhân truyền lại

Thần Chết