Chùa Láng - Hà Nội

Chùa Láng có tên chữ là Chiêu Thiền tự và được giải thích trong văn bia tạo dựng năm Thịnh Đức thứ 4 (1656) hiện còn được bảo quản ở chùa như sau: Vì có điều tốt rõ rệt nên gọi là Chiêu. Đây là nơi sinh ra Thiền sư đại thánh nên gọi là Thiền.

Chùa có cảnh quan đẹp, được miêu tả rõ trong tấm bia có niên đại Thịnh Đức thứ tư (1656): “Thật là danh lam bậc nhất, thế gian không có chùa nào sánh kịp. Khí tốt phượng thành bên hữu tỏa khắp, dòng sông Tô Lịch bên tả lượn vòng, Nhị Hà nghìn dặm quanh kinh đô uốn khúc, như rồng xanh lớp lớp chầu về, Tản Viên dãy núi đầy khí đẹp hướng vào, như hổ trắng đàn đàn đến họp”.

Chùa Láng - Hà Nội

Tương truyền chùa được xây dựng từ thời vua Lý Anh Tông (1138 đến 1175). Chùa thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Theo truyền thuyết, nhà sư này đã đầu thai làm con trai một nhà quý tộc Sùng Hiền hầu, em vua Lý Nhân Tông. Vì vua Lý Nhân Tông (1072 đến 1127) không có con, nên con trai của ông Sùng Hiền hầu được nối ngôi, tức vua Lý Thần Tông (1128 đến 1138). Do sự tích ấy mà con của Lý Thần Tông là Lý Anh Tông đã cho xây cất chùa Chiêu Thiền để thờ vua cha và tiền thân của Người là thiền sư Từ Đạo Hạnh.

Chùa Láng là một quần thể kiến trúc rộng lớn, được xây dựng theo kiểu "nội công ngoại quốc", tính ra vừa đủ 100 gian. Chùa nằm trong một khuôn viên rộng và đẹp, có nhiều cây cổ thụ, có một kiến trúc cân đối hoà quyện với không gian và cảnh quan thiên nhiên.

Cổng tam quan dẫn vào sân chùa có đôi câu đối viết theo lối Khải thư rất đẹp ghép bằng những mảnh sứ màu xanh làm tăng thêm vẻ trang nghiêm cổ kính và hoành tráng của ngôi chùa.

Giữa sân chùa là một kiến trúc độc đáo - nhà Bát giác, nơi đặt kiệu thánh vào đêm trước ngày khai hội. Mái nhà lợp theo kiểu mái chồng, hai tầng, 16 mái trông rất thanh thoát và hài hòa.

Phía sau sân chùa là tiền đường, trung đường, nhà thiêu hương, thượng điện, tả hữu hành lang, nhà tổ, nhà mẫu và vườn tháp. Thượng điện được bố trí theo kiểu “tiền Thánh hậu Phật”, với tượng đức thánh Láng đặt ở phía trước, phía sau là các lớp tượng Phật.

Chùa Láng - Hà Nội

Tại chùa xưa kia có quyển sách kinh bằng đồng lá "Bát diệp đồng thư" (nay đã mất) và nhiều di vật có giá trị như tấm bia "Tạo lệ" dựng năm Thịnh Đức thứ 4 (1656) cao 1,4m, rộng 0,8m, hoa văn tinh xảo, bia Phúc điền cùng 13 tấm bia khác từ thời Tự Đức đến thời Bảo Đại. Chùa Láng hiện còn lưu giữ các đạo sắc phong của các triều Lê, Tây Sơn, Nguyễn, 30 bức hoành phi, 31 đôi câu đối, một "đại hồng chung" và một khánh lớn bằng đồng đúc năm Thiên vận Mậu Ngọ (1738).

Hiện nay trong chùa còn có tượng Lý Thần Tông bằng gỗ ngồi trên ngai vàng. Dưới mái hành lang có hai dãy thập điện và 18 vị La Hán cùng nhiều tượng thờ có niên đại từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19 trải dài từ đời Lê đến triều Nguyễn được bàn tay tài hoa của các nghệ nhân tạo tác rất sinh động mang tính nghệ thuật cao.

Đặc biệt, trong hậu cung chùa còn có pho tượng Đức Từ Đạo Hạnh theo truyền thuyết được làm bằng mây rút, phủ sơn son thếp vàng. Bức tượng này đã có từ rất lâu, tương truyền có từ thời Lý, đến thời Lê (khoảng năm 1644 - 1646) được tu bổ cơ bản và đến tháng 01/2005, sau hơn 300 năm, bức tượng một lần nữa được tu bổ toàn diện.

Chùa Láng - Hà Nội

Chùa đã được trùng tu nhiều lần, những lần quan trọng nhất là vào các năm 1656, 1901 và 1989. Vì được trùng tu nhiều lần, trong chùa không còn dấu tích của các kiến trúc di vật cổ.

Vẻ bề thế của quần thể kiến trúc hài hòa, cân xứng với không gian thoáng đãng khiến cho chùa Láng đã từng được coi là đệ nhất tùng lâm ở phía Tây kinh thành Thăng Long xưa.

Hội chùa Láng cử hành vào ngày mồng bảy tháng ba âm lịch, là ngày sinh của Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Trong ngày hội, kiệu của Từ Đạo Hạnh được rước đến chùa Hoa Lăng ở xã Dịch Vọng, nơi thờ cha mẹ ông.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

9 Phẩm chất làm nên một người quân tử, bạn có được bao nhiêu?

Luận ngữ: 50 Câu tinh hoa cổ nhân truyền lại

Thần Chết