Chùa Hà - Hà Nội

Kiến trúc

Từ Cầu Giấy vượt qua sông Tô Lịch đi về hướng tây khoảng 800m du khách sẽ thấy phố Chùa Hà ở bên phải. Nằm ngay sát vòng xoay ngã năm ở đoạn giữa phố này, tam quan chùa Hà hoành tráng ngảnh về hướng tây, xa xa là dãy núi Ba Vì. Trước cửa chùa xưa kia có một hồ nước đã bị lấp vào cuối thế kỷ 20. Trên một cột trụ có dòng chữ Hán đắp nổi: “Lê Triều Chính Hoà tạo dựng” (Dựng vào niên hiệu Chính Hoà triều Lê, tức năm 1681). Bên cạnh tam quan chùa là cổng đình làng mới sửa lại, trông hơi giống cổng chùa Láng.

Chùa Hà - Hà Nội

Sát liền đầu hồi bên phải chùa Hà là ngôi đình làng, ở giữa là lối đi vào khu nhà hậu. Chùa và đình chung nhau tường bao, làm thành một khu di tích với khuôn viên liên thông. Khu này đã được quy hoạch và trùng tu lớn trong giai đoạn 1995—2003 khi ruộng vườn xã Dịch Vọng bị đô thị hoá dần dần mất hết. Hiện nay tuy các công trình vẫn tuân theo phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn nhưng hầu hết đều thay đổi diện mạo ít nhiều so với thời trước chiến tranh, chỉ tam quan chùa còn lại khá nguyên vẹn và gây ấn tượng lớn nhất.

Sau tam quan chùa là vườn cây và hồ nước nhỏ nhưng đẹp. Toà Tam bảo được xây theo hình chữ “Đinh” với tiền đường rộng 5 gian và hậu cung gồm 3 gian, bên cạnh là điện thờ Mẫu, phía sau là trai đường và khu phụ. Từ khoảng cuối thế kỷ 20, chùa Hà bỗng dưng thu hút được nhiều bạn trẻ đến cầu ước tình yêu và “cắt duyên tiền kiếp”. Con nhang đông đến nỗi gần đây người ta lại xây thêm mấy gian điện thờ ở sau chùa và cả bên đình, làm cho khu di tích càng chật hẹp và tấp nập, khác hẳn cảnh u tịch cổ kính trước kia.

Mặt bắc chùa giáp liền với nghĩa địa, mặt nam giáp đình làng. Trong đình Bối Hà có điện thờ nhị vị thành hoàng Chu Lý Đại vương và Triệu Chí Thành. Hai vị nhân thần này vốn là tướng của Triệu Việt Vương Quang Phục (?—571), người kế tục Lý Nam Đế lãnh đạo quân dân nước Vạn Xuân chống lại cuộc xâm lược của nhà Lương. Đình cũng có kiến trúc theo hình chữ “Đinh” như chùa Hà. Hiện nay sân trước bái đường đã lắp đặt khung sắt để làm rạp che mưa nắng trong các dịp hội làng.

Chùa Hà - Hà Nội

Lưu ý

Ngoài các bộ cửa võng, câu đối, hoành phi và các pho tượng tròn đều được tô lại mới đây, trong chùa Hà còn có chiếc lư hương cổ nhất đã nói ở trên và một đại hồng chung được đúc dưới thời Tây Sơn. Cuối thời vua Lê chúa Trịnh, loạn lạc triền miên, chùa bị mất quả chuông nguyên thuỷ.

Quả chuông thay thế mang niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 7 (1799). Chuông cao 1m30, chu vi miệng 1m50, quai hình rồng có vây, chia làm 4 múi khắc long, ly, quy, phượng; phía trên có bốn chữ lớn: “Thánh Đức Tự chung”. Theo nhà nghiên cứu Đỗ Thỉnh viết trong sách “Di tích và văn vật vùng ven Thăng Long” (NXB Hội nhà văn, HN 1995), bài minh khắc trên cả 4 mặt chuông do giáo xã Nguyễn Khuê soạn thảo là một tư liệu lịch sử quý báu, phản ánh tính chất dân chủ làng xã cũng như ảnh hưởng của chữ Nôm và Phật giáo ở thời Tây Sơn.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

9 Phẩm chất làm nên một người quân tử, bạn có được bao nhiêu?

Luận ngữ: 50 Câu tinh hoa cổ nhân truyền lại

Thần Chết